Ngày 14/5, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội nghị “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo Việt Nam”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.
Khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: So với trước đây, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam đã có bước tiến đáng kế. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, ngành cơ khí chế tạo của nước ta đang bị tụt hậu so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra theo nghị quyết của Đảng. Thông qua Hội nghị này, Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia, hiệp hội và doanh nghiệp… đóng góp những ý kiến, giải pháp nhằm thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo phát triển.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, cơ khí chế tạo có vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, vừa là nền tảng, vừa là động lực cho sự phát triển của nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Thực tế cho thấy, trên thế giới không có bất kỳ quốc gia nào thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà lại không có ngành công nghiệp cơ khí mạnh.
Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, hiện nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã bước sang giai đoạn thứ 4, nhưng trình độ khoa học và công nghệ của nước ta còn thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực, năng lực sáng tạo công nghệ mới còn rất hạn chế… Ngành cơ khí chế tạo chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và mong mỏi, nguyện vọng của người dân. Hội nghị là cơ hội để các các đại biểu đưa ra các kiến nghị, đề xuất chính sách và giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển ngành cơ khí chế tạo. Ý kiến thu nhận được tại Hội nghị sẽ là cơ sở quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tổng hợp báo cáo với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc chuẩn bị xây dựng Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021- 2025.
Theo đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp cơ khí, trong 10 năm, từ 2002-2012, ngành cơ khí nước ta đã từng bước phục hồi và có chuyển biến tích cực, nỗ lực tiếp cận các nguồn vốn mới, đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng mặt hàng, thị trường, từng bước giành lại thị phần, làm chủ thị trường trong nước. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, ngành cơ khí vì nhiều lý do khác nhau bắt đầu chững lại, trừ lĩnh vực lắp ráp ô tô, xe máy duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.
Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại, công nghiệp có tốc độ tăng trưởng thấp, thiếu vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia, nên cơ khí không có cơ hội tham gia. Lãi suất tín dụng cao khiến các doanh nghiệp cơ khí khó tiếp cận. Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa còn lúng túng trong thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất, thì doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé, chưa đủ khả năng tham gia vào lĩnh vực cần vốn lớn, quay vòng vốn chậm và lợi nhuận không cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cơ khí chưa bám sát nguyên lý cơ bản trong sản xuất kinh doanh là phải đầu tư xây dựng doanh nghiệp theo hướng “chuyên môn hóa sâu, hợp tác hóa rộng” mà sản xuất “khép kín, thiếu liên kết”, dẫn đến lãng phí nguồn lực…
Các đại biểu đề nghị, Chiến lược phát triển cơ khí Việt Nam cần sửa đổi để thể hiện mục tiêu xây dựng phát triển một nền công nghiệp cơ khí bền vững của đất nước, trong đó cần lựa chọn một số phân ngành sản phẩm cơ khí chế tạo để làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế, công nghiệp của đất nước. Ngoài nỗ lực không ngừng đổi mới của doanh nghiệp, các ý kiến cho rằng, nhất thiết phải có bàn tay hữu hình của nhà nước thể hiện bằng một hệ thống chính sách đồng bộ và nhất quán. Trong đó chú ý bảo vệ tối đa thị trường nội địa, tạo được nhiều đơn hàng từ nguồn đầu tư công cho doanh nghiệp trong nước.